Trích đoạn : Tịnh Độ Đại Kinh, giải diễn nghĩa . Tập 390
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không.
“Vì nó là điều dễ duy nhất nên gọi là dễ thực hiện”. Có nghĩa là tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều không dễ, sao lại nói không dễ? Nó đòi hỏi phải cắt đứt phiền não, đó là điểm khó, chúng ta không cắt được. Trong lúc đó pháp môn Tịnh độ không đòi hỏi cắt đứt phiền não, mà chỉ cần điều phục phiền não, bắt phiền não lắng dịu xuống, giống lấy đá đè cỏ, chỉ cần đè nó xuống là được. Cắt là gì? Nhổ bật cả gốc rễ lên gọi là cắt, vậy mới khó, quá khó! Đá đè cỏ, đá là gì? Nam mô A di đà Phật, đó là đá, dùng nó để chặn cỏ lại. Cũng có nghĩa là, chúng ta khởi tâm động niệm, khi niệm đó bắt đầu nổi lên, ta lập tức tìm đến Phật A di đà, chuyển nó thành Phật A di đà, không để cho niệm đó phát triển, phình to ra. Bất luận thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần nổi lên, liền dùng câu A di dà Phật ấn nó xuống, tất cả đều đưa về A di đà Phật. Bởi thế pháp môn niệm Phật là pháp môn vi diệu, thù thắng, không gì sánh bằng. Tập khí phiền não nặng nề trong con người phàm phu, làm sao có chuyện không nổi niệm? Nếu không khởi niệm thì đã trở thành Thánh nhân, người phàm không làm được. Bởi thế cổ đức hướng dẫn chúng ta: Không sợ niệm khởi mà chỉ sợ giác chậm. Giác chậm là gì ? Quí vị đã tạo nghiệp, niệm đầu tiên nổi lên, niệm thứ hai là Phật A di đà, là không tạo nghiệp, như thế mới gọi là biết niệm Phật, niệm Phật như thế mới có tác dụng, không thể không hiểu. Vì thế một hành giả niệm Phật thực thụ không phải mỗi ngày niệm được bao nhiêu danh hiệu Phật, không phải cái đó mà quan trọng là tâm thanh tịnh, giữ tâm thanh tịnh. Tâm niệm nào nổi lên liền dùng danh hiệu Phật A di đà đè nó xuống. Khi niệm không nổi lên nữa thì danh hiệu Phật cũng không cần nữa, hết chuyện rồi, mọi việc đã khôi phục như cũ. Khởi niệm là niệm Phật, niệm như thế lâu ngày thì công phu mới sâu, tâm thanh tịnh hiển bày, tâm bình đẳng hiển bày, niệm cho đến đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Niệm cho đến đắc định, đây gọi là sự nhất tâm bất loạn, niệm cho đến khai ngộ, đó gọi là lí nhất tâm bất loạn. Lí nhất tâm bất loạn có cùng cảnh giới tương đương với đại triệt đại ngộ của Thiền tông, đại khai viên giải của giáo môn, tất cả đều đạt đến cõi Thật báo trang nghiêm.
Đoạn tiếp theo: Nếu bàn đến thực chất, như trong phẩm này đã nói rõ, thì nên biết chuyện vãng sanh không hề đơn giản. Đây là một sự thực, trong phẩm này, đã được đề cập trong tam bối vãng sanh, nói cho chúng ta việc vãng sanh thế giới Cực lạc, đó là sự thực. Sau khi đọc xong, quí vị mới hiểu, đấy không phải là một việc dễ thực hiện, dễ so với tám vạn bốn ngàn pháp môn, bởi vì tám vạn bốn ngàn pháp môn đòi hỏi cắt đứt phiền não, còn đây là pháp môn không đòi hỏi như thế, nên gọi là dễ. Song điều phục phiền não như thế nào? Nếu không điều phục được thì cho dù quí vị có niệm Phật cả đời cũng không thể vãng sanh. Bởi thế, đới nghiệp là đới nghiệp cũ chứ không đới thêm nghiệp mới. Ta có thể mang theo phiền não đã tạo trong kiếp trước, nhưng kiếp này, những phiền não trước lúc vãng sanh, đặc biệt là niệm cuối cùng, niệm cuối cùng trước khi lâm chung là danh hiệu Phật, quí vị phải mang theo. Nếu niệm sau cùng khi lâm chung không phải là Phật A di đà, thì quí vị không mang gì đi được. Vẫn phải tùy nghiệp mà luân chuyển, cũng có nghĩa là tiếp tục luân hồi trong sáu đường.
Sau khi mất, con người sẽ đi đâu ? Nghiệp lực nào mạnh nhất sẽ kéo anh ta đi đầu thai. Vì sao sau khi con người mất lại đoạ làm súc sanh ? Vì họ không phân biệt phải trái, ngu si, không có trí tuệ. Sao có người chết rồi lại đoạ vào cõi quỉ đói ? Vì lòng tham họ nặng quá, tuy họ không đến nỗi không phân biệt phải trái, nhưng mỗi suy nghĩ của họ đều nghĩ đến việc chiếm đoạt. Có người sau khi chết liền rơi vào địa ngục, vì tâm sân hận, đố kị, báo thù của họ nặng quá, những người như thế sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục. Có người sau khi chết được sanh làm người. Cõi người là gì? Lòng giữ luân thường nghiêm túc, mỗi niệm họ đều không quên luân thường đạo đức, mỗi niệm đều nghĩ đến hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, họ sẽ trở lại làm người. Mỗi niệm đều từ bi, mỗi niệm đều muốn làm mười điều thiện, những người như thế sau mệnh chung sẽ được sinh lên cõi trời. Tất cả đều do tâm niệm sau cùng. Chúng ta thử nghĩ xem, tâm niệm sau cùng của chúng ta là gì ? Điều này rất quan trọng, nắm chắc tâm niệm sau cùng, chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh độ, phải một lòng cầu sanh thế giới Cực lạc, không thể không hiểu vấn đề này, điều này có liên quan đến kiếp sau của ta, không được sai lầm dù chỉ nhỏ bằng sợi tơ. Mỗi ngày chúng ta phải rèn luyện bản thân, rèn luyện những gì? Dùng câu A di đà Phật để điều phục phiền não, nuôi nó thành thói quen. Làm sao niệm lúc cuối cùng trước khi lâm chung phải là Phật A di đà, như thế mới thành công.
Ещё видео!