Nâng cao mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; trách nhiệm các bên trong mối liên kết bền vững, là nội dung chính được các đại biểu nêu lên trong buổi đối thoại diễn ra hôm nay tại Hà Nội giữa lãnh đạo Trung ương Hội nông dân Việt Nam với gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, với hơn 4 nghìn 500 doanh nghiệp, chiếm khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, thời gian qua các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, liên kết trong sản xuất là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại, nhất là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông nghiệp vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng, liên kết giữa nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát dẫn đến khủng hoảng thừa, một số nông sản phải chung tay giải cứu thời gian qua nhưng vẫn không hiệu quả.
Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ngoài khó khăn về quỹ đất, vốn tín dụng còn bị động trong việc hình thành vùng nguyên liệu, chủ yếu hiện nay là thông qua thương lái để thu gom nông sản. Thực tế này dẫn đến thu nhập của nông dân và doanh nghiệp đều chưa ổn định. Ông Đỗ Văn Thưởng, hội viên Hội nông dân xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Những năm qua việc tiêu thụ sản phẩm của các hội viên gặp rất nhiều khó khăn vì không rõ thị trường ở đâu, nhu cầu thị trường như thế nào. Vì vậy sản xuất hiện nay chỉ căn cứ vào nhu cầu thị trường chứ không có kế hoạch cụ thể rủi ro rất lớn nếu “được mùa mất giá”. Mong muốn là cơ chế của Nhà nước cũng như doanh nghiệp quan tâm hơn nữa để đảm bảo đầu ra tiêu thụ cho nông dân”.
Một số ý kiến cho rằng, để gắn kết doanh nghiệp với nông dân cần quy định mức thuế phù hợp đối với từng hạn mức sử dụng đất nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tham gia làm việc trong doanh nghiệp nhận góp vốn. Đối với chính sách tín dụng, cần gỡ khó cho các hộ nông nghiệp và doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất được sử dụng tài sản thế chấp là hàng hóa lưu kho, tài sản hình thành trên đất nông nghiệp, cùng với đó, ưu tiên lãi suất và hạn mức cho vay kéo dài hơn, với tỷ lệ cho vay cao hơn.
Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam, việc liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, có giải quyết được chuỗi sản xuất thì mới tránh được tình trạng được mùa, mất giá, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Liên kết với doanh nghiệp là liên kết đặc biệt để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong nông nghiệp hiện nay. “Đời sống của nông dân mặc dù đã được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hội nhập, thị trường lớn thì sản xuất và đầu tư cũng phải tương xứng, trong khi đó làm nông nghiệp lại đối mặt với nhiều rủi ro. Vì vậy, phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc ở khâu sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân”- Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Theo ông Môn, Hội nông dân Việt Nam sẽ song hành cùng với doanh nghiệp trong việc vận động thông tin tuyên truyền đến hội viên nông dân gắn kết với doanh nghiệp. Đồng thời là cầu nối để tiếp nhận cũng như kiến nghị Trung ương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nông dân và doanh nghiệp”./.
Nông dân làm giàu nhờ mô hình liên kết với doanh nghiệp
Теги
liên kết sản xuất nông nghiệpmô hình liên kếthợp tác xãcác mô hình liên kết trong nông nghiệpliên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩmvấn đề liên kết giữa nông dân doanh nghiệpchuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩmmô hình liên kết chuỗi giá trịliên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệphợp tác xã liên kết với doanh nghiệpcác mô hình liên kết sản xuất nông nghiệpnông nghiệpkhởi nghiệpnông nghiệp nông thônnhà nông làm giàuhãy hỏi để biếttin tức nông nghiệp