Nỗi lo của những ông lớn ngành bia Việt Nam?
Sau giai đoạn Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bia nói riêng đã phải đối mặt với nhiều thử thách. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và thói quen tiêu dùng bia của người dân. Những yếu tố này đã khiến thị trường bia Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục giảm một con số cho đến nay.
Để thích ứng với tình hình hiện tại và hướng đến sự phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường biến động, Heineken Việt Nam đã quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh. Theo đại diện Heineken Việt Nam, nhà máy bia Quảng Nam có công suất nhỏ nhất trong số 6 nhà máy của Heineken tại Việt Nam. Để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô (lợi thế về chi phí mà các công ty có được khi tăng sản lượng sản xuất và giảm chi phí), Heineken Việt Nam cần tinh giản hoạt động để tập trung đầu tư và phát triển vào những cơ sở sản xuất hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh mà còn hỗ trợ việc làm cho người lao động hiện hữu.
Quyết định này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Heineken Việt Nam, hướng tới mục tiêu không phát thải carbon trong hoạt động sản xuất. Bằng cách tối ưu hóa với số lượng nhà máy ít hơn nhưng quy mô mỗi nhà máy lớn hơn, Heineken Việt Nam có thể giảm thiểu tác động đến môi trường.
Cụ thể, trong tháng 6/2024, Heineken Việt Nam tạm dừng hoạt động của nhà máy bia Heineken Việt Nam Quảng Nam để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản. Đại diện Heineken Việt Nam khẳng định quyết định này được đưa ra sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên phân tích tình hình thực tế và chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
![](https://s2.save4k.org/pic/OBYVDAc1KNs/maxresdefault.jpg)