Tháp Đôi Quy Nhơn chính là một trong những công trình kiến trúc độc đáo mà khi nhắc tới Bình Định, du khách nào cũng muốn đặt chân tới thăm Tháp Đôi này.
Có người đã từng nói: Gương mặt của Quy Nhơn là biển, cốt cách của Quy Nhơn là võ cổ truyền, tâm hồn của Quy Nhơn là đồi Thi Nhân nơi thi sĩ Hàn Mặc tử yên nghỉ và lịch sử của Quy Nhơn chính là di tích Tháp Đôi”.
Về vị trí địa lý, tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại một khuôn viên trải đầy thảm cỏ và cây xanh rộng lớn với diện tích lên đến 6000m2 trực thuộc đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Có thể nói, tòa tháp này sở hữu vị trí không chỉ đặc biệt mà còn vô cùng lý tưởng.
Có thể bạn đang thắc mắc là vì sao lại đặc biệt. Thông thường, các tòa tháp Chăm thường được xây dựng nằm trên các đỉnh đồi và cách xa khu dân cư sinh sống. Tháp Đôi Quy Nhơn tuy không nằm trên một đỉnh đồi nhưng lại nép mình trong một khuôn viên xanh mát được bao phủ bởi thảm cỏ và nhiều cây xanh. Điều đặc biệt hơn cả là bên ngoài khuôn viên thì vẫn là những hộ dân cư bình thường đó!
Ngoài ra, điều khiến tòa tháp này trở thành một điểm du lịch lý tưởng vì nơi đây nằm cách trung tâm thành phố chỉ từ 5 đến 10 phút di chuyển vô cùng nhanh chóng và dễ đi. Thích hợp để người lớn có dịp tham quan mà không phải lo lắng về đường đi quá xa. Bên cạnh đó, nhờ vào khuôn viên xanh ngát rộng lớn, tòa tháp như tách mình ra khỏi những xô bồ của phố thị ồn ào và nổi bật với diện mạo uy nghiêm, cổ kính. Nếu có dịp ghé chơi thành phố biển xinh đẹp này, bạn đừng quên ghé tham quan tháp Đôi Quy Nhơn nhé!
Về lịch sử hình thành, tháp Đôi Quy Nhơn mang âm hưởng của kiến trúc Khmer trong nó bởi nơi này được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 khi nước Champa và Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer) vẫn còn xảy ra chiến tranh kéo dài. Ngoài ra, tòa tháp đôi này còn được biết với những tên gọi khác như: tháp Hưng Thạnh hay tháp Sri Banoi (trong tiếng J’rai).
Về kiến trúc tổng thể, do là tòa tháp đôi nên nơi này gồm có 2 tòa tháp chính là tháp phía Bắc và tháp phía Nam đứng cạnh nhau. Trong đó, tháp lớn cao 20m và tháp nhỏ cao 18m tựa như một đôi nam nữ vậy đó.
Bạn biết không, Bình Định xưa kia chính là kinh đô của vương quốc Chăm Pa cổ đại. Do vậy mà nơi đây cũng đã nghiễm nhiên trở thành nơi sở hữu số lượng các tháp Chăm lớn nhất Việt Nam đó!
Tháp Đôi Quy Nhơn là một trong số bảy tòa tháp thuộc sự sở hữu của tỉnh Bình Định, được công nhận là Di tích Quốc gia của tỉnh này. Có thể nói, nếu xét về kiến trúc thì tháp Đôi Quy Nhơn lại khá khác biệt so với những anh chị em họ hàng của mình tại tỉnh Bình Định. Đại đa số các tháp Chăm tại Việt Nam đều mang phong cách Nam Ấn, ngoại trừ các đền tháp như Hưng Thạnh (tháp Đôi Quy Nhơn) và Bằng An là sở hữu lối kiến trúc mang phong cách Bắc Ấn mà thôi.
Các tòa tháp Chăm pa thường thờ các vị thần Hindu và các vị vua Chăm và tại tháp Đôi Quy Nhơn thì nơi đây lại thờ Linga và Yoni. Trong đó, Linga là biểu hiện đặc tính dương còn Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần Shiva (Ấn Độ). Cùng chung với nhau, cả hai biểu tượng cho sự hợp nhất của tiểu vũ trụ và đại vũ trụ; của quá trình sáng tạo và tái sinh vĩnh cửu thiêng liêng và của sự kết hợp giữa nam tính và nữ tính.
Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng quan sát thấy tòa tháp đôi này được cấu tạo nên từ gạch nung đỏ được đắp san sát đều khít nhau cùng các chi tiết điêu khắc có tính nhịp điệu, lặp lại, đối xứng hoặc giật cấp; càng về sau sẽ càng nhỏ hơn trước hoặc ngược lại.
Đến với tháp Đôi Quy Nhơn, chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật - tôn giáo độc đáo từ trí tuệ và bàn tay tài hoa của người Chăm xưa, ngậm ngùi trước phế tích còn lại của một vương triều đã mất, lắng lòng trước sự khắc nghiệt của thời gian và dâu bể tang thương chắc chắn sẽ đem lại cho du khách nhiều điều thú vị.
Bạch Hoàng Travel
Email: info@bachhoang.vn
#Tháp_Đôi_Quy_Nhơn
#BachHoangTravel
Ещё видео!