BÌNH TAM QUỐC: VÌ SAO TÀO THÁO KHÓC THƯƠNG QUÁCH GIA?
Quách Gia tự Phụng Hiếu, là một nhà chiến lược và mưu sĩ trọng yếu của Tào Tháo trong thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời kỳ đầu của Tam Quốc tại Trung Quốc. Trong 11 năm phục vụ cho Tào Tháo, ông giữ chức Tư không Quân tế tửu, như chức Đại đô đốc của Chu Du và Quân sư Trung lang tướng của Gia Cát Lượng bấy giờ. Tài năng của Quách Gia đã giúp nhiều cho Tào Tháo trong các chiến thắng của ông trước các lãnh chúa kẻ thù như Lã Bố và Viên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn là Đạp Đốn, giúp Tào Tháo thống nhất Hà Bắc một cõi rộng lớn. Chính vì thế, ông là một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo. Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ giỏi nhất của Tào Tháo nói riêng và thời Tam Quốc nói chung.
Lại nói về Tào Tháo, sau chiến bại tại Xích Bích, trở về đến Nam Quận, ông ngửa mặt lên trời khóc thảm thiết: " Tôi khóc Phụng Hiếu đây, nếu Phụng Hiếu còn sống, nhất định tôi không gặp thất bại to tát như thế này".
Thơ rằng : "Hũ sành thường bể trên miệng giếng, tướng quân thường chết trên chiến trận", người theo Tào Tháo Nam chinh Bắc chiến chết rất nhiều, vậy tại sao Tào Tháo chỉ khóc một cách đau đớn với cái chết của Quách Gia?
Quách Gia được Tuân Úc tiến cử vào doanh trại Tào Tháo, đem hết mưu trí, tài năng giúp Tào Tháo bắt sống Lữ Bố, tiên liệu việc xảy ra của Tôn Sách, tiêu diệt anh em họ Viên, bình định cả phương Bắc. Dùng lời khen tặng của Tào Tháo đối với Quách Gia thì: Từ ngày theo chinh phạt, thời gian đã mười một năm, mỗi khi có sự bàn bạc quan trọng, hoặc đứng trước kẻ thù luôn biết thay đổi linh động. Bất cứ việc gì, quân thần bàn bạc chưa xong, thì Quách Gia đã có ý kiến đề xuất. Trong quá trình bình định thiên hạ, Quách Gia đã có công to và nhiều mưu trí giỏi".
Tào Tháo bồi dưỡng Quách Gia như một người kế nghiệp, thật ra là mong muốn " ít nhất cũng ủy thác được chuyện hậu sự cho Phụng Hiếu". Nhưng không ngờ Quách Gia lại vắn số, đã yểu tử trước khi xảy ra trận quyết chiến tại Xích Bích một năm. Quách Gia mất khi mới vừa ba mươi bảy tuổi. Một nhân vật đầy trí tuệ, vừa trẻ tuổi vừa có nhiều kinh nghiệm, thực ra trong doanh trại của Tào Tháo lúc đó rất ít có. Muốn bồi dưỡng một nhân tài như vậy, biết phải bao năm tháng nào mới có. Do đó, Tào Tháo khi nhớ tới không đau đớn, xót xa sao được?
Năm Tào Tháo bị chiến bại tại Xích Bích, thì ông đã ngoài năm mươi tuổi, còn các mưu sỹ quan trọng bên cạnh như Tuân Úc, Trình Dục, Tuân Du đã bước vào giai đoạn tuổi già. Số người còn lại không ít, nhưng không phải là những nhân vật xuất chúng. So với 2 nhà Tôn, Lưu lúc đó, tuy binh mã không đông nhưng nhân tài xuất chúng khá nhiều như Lỗ Túc, Chu Du, Gia Cát Lượng, Bàng Thống... Lúc bấy giờ Bàng Thống, Chu Du mới ngoài 30 tuổi, Gia Cát Lượng mới 27 tuổi. Riêng Tôn Quyền, người thống soát của Giang Đông còn nhỏ hơn Gia Cát Lượng một tuổi.
Lỗ Túc nguyên là người của Viên Thuật, gần kề ngay doanh trại Tào vậy mà năm xưa Tháo không nhìn ra được, để Chu Du phỏng tay trên, tiến cử cho Đông Ngô.
Tào Tháo ý thức được rằng, tuổi mình đã quá nửa trăm, sau mấy mươi phen bại trận, nay muốn thủ thắng nhóm người tuổi trẻ đầy sinh lực kia, cơ hội không có nhiều. Trước kia, dựa vào các văn thần, võ tướng có thể bình dẹp phương Bắc, nhưng đối với Giang Nam thì sẽ ra sao? Suy nghĩ lại, cảm thấy nếu Giang Nam không thể chinh phục được lúc này, thì sau khi mình chết, cả vùng Hà Bắc sao giữ được?
Sự lo buồn đó đã khiến Tào Tháo phải òa khóc. Cái khóc của Tào Tháo, vừa là tiếng khóc tiếc nối, vừa là tiếng khóc lo buồn. Tuy nhiên Tháo khóc cho quốc gia thì ít, lại khóc cho chính sự nghiệp của mình thì nhiều. Do vậy, sau đại chiến Xích Bích , Tào Tháo không Nam chinh nữa mà tập trung chiêu mộ hiền tài để xây dựng nghiệp lớn sau này. Tiếng khóc bi thương của Tào Tháo lúc đó không phải tiếng khóc bi thương của hạng nữ nhi thường tình.
Tào Tháo không thể dự kiến trước được Quách Gia chỉ mới ba mươi bảy tuổi đã trở thành thiên cổ. Bên phía 2 nhà Tôn, Lưu những nhân tài xuất chúng cũng nối tiếp nhau lìa trần: Chu Du, Bàng Thống chỉ sống đến 35 tuổi, Lỗ Túc thì mới qua 45 tuổi còn Gia Cát Khổng Minh cũng chỉ thọ đến 53 tuổi. Thương thay! Các bậc nhân tài xuất chúng đều bạc mệnh.
Luận bàn: Việc Tào Tháo khóc thương Quách Gia trước đây gần 1700 năm là bài học đối với việc quan tâm, gìn giữ, bồi dưỡng tới các nhân tài xuất chúng của đất nước, của doanh nghiệp, của tổ chức.
Ещё видео!